Vợ tôi đã thi đỗ và chuẩn bị được cấp bằng lái xe ô tô hạng B2. Dù đây là kết quả sau 3 năm kiên trì, chăm chỉ, nỗ lực học tập với 8 lần thi lại lý thuyết và 12 lần thi lại thực hành thì với tôi đây vẫn là một cú sốc quá lớn.
Sốc đến nỗi dù ngày mai danh ca nhạc buồn Trường Vũ phát hành album nhạc thiếu nhi mang tên “Yêu người chung vách”, hoặc thành phố Tuyên Quang chính thức được Chính phủ đầu tư khởi công xây dựng thành Thủ đô cũng không sốc bằng cái tin này”!
Bức thư có những dòng cảnh báo “gan ruột”: “Tôi không biết ông thầy sát hạch nào đã bất cẩn mà cấp bằng lái xe cho vợ tôi. Nhưng tôi nghĩ là ông ấy đã nợ tất cả những người tham gia giao thông đường bộ (thậm chí là cả đường thủy) – nơi mà vợ tôi sắp lái xe qua – một lời xin lỗi quá lớn. Bởi ông ta đã vô tình làm tăng mức độ rủi ro cho những người tham gia giao thông mà họ có thể gặp phải khi đi cùng đường với vợ tôi lái xe.
Vừa lấy bằng về tới nhà, vợ tôi dán thẳng cái bằng lái của cô ấy vào giữa mặt tôi và chìa tay yêu cầu tôi giao chìa khóa xe cho cô ấy để cô ấy tự lái xe về quê thăm mẹ. Tôi hốt hoảng, tay run nhong nhóc móc chìa khóa đưa cho cô ấy mà trong lòng ngập tràn một nỗi lo sợ xen lẫn đau đớn, xót xa vô cùng khó tả – rất giống với tâm trạng lúc cử hành hôn lễ trong Nhà thờ khi trao nhẫn cưới và nghe Cha đạo tuyên bố rằng “Từ nay con sẽ phải sống chung với người phụ nữ này đến hết cuộc đời dù có phải trải qua bao nhiêu đắng cay và khổ nhục thì con cũng phải chấp nhận!”
Nhìn chiếc xe mà tôi hết mực cưng chiều, yêu thương, nâng niu, gìn giữ đang bị vợ tôi bạo hành mà tim tôi quặn đau hơn bị thiến. Chiếc xe hệt như con ngựa trung thành, không ưa chủ mới. Nó bất mãn, gầm rú và rung lên bần bật một lúc rồi mới chịu loằng ngoằng lao đi.
Vừa đi được một lúc thì vợ tôi gọi điện về: “Anh ơi! Nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên trái nghĩa là nó sắp sửa rẽ sang bên trái và mình phải tránh sang bên phải đúng không anh?” – “Đúng rồi cưng ơi!”.
Ít phút sau vợ tôi lại gọi điện về : “Anh ơi! Nếu cái thằng đằng trước nó nhấp nháy cái đèn bên phải tức là nó sắp sửa rẽ sang bên phải và mình phải tránh sang bên trái đúng không anh?” – “Đúng rồi em!”.
Chưa kịp đặt máy xuống thì chuông điện thoại lại reo lên, vẫn là vợ tôi “Anh ơi! Cái thằng đằng trước nó vừa nhấp nháy cái đèn bên trái lại vừa nhấp nháy cái đèn bên phải thì nghĩa là sao anh? – ” Nghĩa là xe nó gặp sự cố bất ngờ đang dừng đỗ khẩn cấp hoặc nó báo là nó sẽ đi thẳng chứ không rẽ về bên nào cả” – “Vậy hả? Thế mà em nghĩ mãi không ra, chả biết tránh về bên nào” – “Vậy em xử lý sao?” – “Dạ! Vì em không biết tránh về bên nào nên em tông thẳng vào đít nó rồi!”.
Được một lát vợ tôi lại gọi: “Anh ơi! Cảnh sát giao thông cầm gậy bằng tay phải và chỉ hướng về phía bên phải có nghĩa là mình được rẽ về bên phải đúng không anh?” – “Còn tùy đó là ngã ba hay ngã tư, có vòng xuyến hay không có vòng xuyến em nhé!” – “Dạ! Không phải ngã ba hay ngã tư gì cả, mà là đang trên đường thẳng tự nhiên có anh cảnh sát giao thông tay cầm gậy miệng thổi còi lao ra chặn đầu xe em và chỉ tay về bên phải anh ạ!” – “Vậy là em phạm lỗi tốc độ hoặc đi sai làn, vượt đèn đỏ hoặc đè vạch rồi đấy!”
– “Vậy hả? Thế mà em cứ tưởng anh ý bảo em rẽ sang bên phải thế là em lượn sang bên phải rồi phóng qua luôn!” – “Rồi sao nữa em?” – “Em thấy anh cảnh sát giao lao theo tay bám vào gương rùi anh ấy trườn lên lắp capo đập tay vào kính và thổi còi inh ỏi” – “Rồi thế nào?” – “Dạ! Em tưởng anh ấy xin đi nhờ xe nên em phanh gấp lại nhưng chẳng thấy anh ấy đâu nữa nên em nghĩ anh ấy không cần đi nhờ xe nữa và em lại phóng đi luôn rồi ạ”.
Ơn giời! Cuối cùng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nghe vợ gọi điện về nói đã về tới quê an toàn! Nhưng thấy giọng vợ tôi có vẻ buồn lắm: “Anh ơi! Xe nhà mình bị chập rồi ạ! Em gạt cái que để bật đèn xinh nhan thì cái gạt mưa nó hoạt động. Em gạt cái que để bật gạt mưa thì cái đèn xinh nhan nó lại sáng…!”
– “Em ạ! Người nào chập thì anh không biết nhưng xe nhà mình chắc chắn không thể chập được! Cái que mà em nói là em bật xinh nhan đó chính là cái que để bật gạt mưa, còn cái que mà em nói là để bật gạt mưa đó chính là cái que để bật xinh nhan em nhé! Em hiểu chưa?” – “Dạ vâng! Em hiểu rồi ạ!”
Chiều tối hôm đó vợ tôi mới lái xe từ dưới quê lên tới nơi, tôi định chạy ra chợ mua thức ăn về nấu cơm thì vợ tôi nói “không cần đâu anh, có thức ăn rồi ạ!”. Nói rồi vợ tôi mở cốp xe lôi ra: 5 con gà, 3 con vịt và 2 con chó. Tất cả bọn chúng đều đã qua đời, mồm há hốc và mắt trợn ngược chứng tỏ bọn chúng đã phải chết một cách đầy oan ức và tức tưởi.
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì vợ tôi đã thanh minh “Là do bọn chúng sang đường không chịu quan sát nên đã lao vào em và cái kết như thế đấy ạ!” – À! Hóa ra đây là những nạn nhân – à mà nhầm – là những nạn động vật – đã vô tình chết dưới vô lăng của vợ tôi trên con đường dài 12km từ dưới quê lên do vợ tôi lái xe. Tất nhiên là nhà tôi không thể xơi hết số tử thi đó nên tôi đành phải gọi mấy ông bạn nhậu quanh khu phố tới khuân bớt đi giúp cho.
Từ đó, mỗi khi vợ tôi lái xe từ quê lên, các ông bạn nhậu đã tập trung sẵn ở cửa nhà tôi đợi vợ tôi về để xin gà, xin vịt, xin chó – ông nào cũng một vẻ sốt ruột, ra ra vào vào, mong như mong mẹ về chợ. Rồi khi vợ tôi về tới nơi, cốp xe được mở ra, các ông lao tới “tao nhận con chó vàng, con gà chọi là của tao, tao lấy con vịt…” làm cho không khí cửa nhà tôi náo nhiệt, rộn ràng ngập tràn tiếng chửi bới hệt như mấy ông xe ôm ở bến tranh nhau khách mỗi khi có xe khách về đến bến xe.
Nhưng cũng chỉ được vài tuần bởi lẽ số lượng vịt, gà, chó, mèo… vợ tôi mang về càng ngày càng ít đi. Và lần gần đây nhất khi vợ tôi ở quê lên, mở cốp xe ra chỉ có mỗi một con vịt nằm còng queo. Mấy ông bạn nhậu kia buồn lắm và thì thầm với nhau rằng “có lẽ trình độ lái xe của vợ tôi ngày càng điêu luyện hơn rồi nên không cán chết chó, gà, vịt… nhiều như trước nữa!”.
Nhưng tôi thì lại nghĩ khác: cũng giống như tôm, cá ngoài biển khơi, nhiều thì nhiều thật đấy nhưng đánh bắt mãi cũng tới ngày cạn kiệt; chó mèo trên đoạn đường về quê vợ tôi cũng vậy, nhiều thế đấy nhưng đâm chết nhiều thì cũng đến ngày vắng bóng.
Tôi chợt nhớ tới cái khẩu hiệu giao thông vẫn được in trên những tấm biển quảng cáo rất lớn ngoài đường “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người”. Quả đúng vậy, là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng vợ tôi, cho nên cô ấy thích thì cô ấy đâm thôi!”